100 CÂU HỎI VỀ XÂY DỰNG NHÀ THỜ (Phần 1).

Nguyễn Hải Sơn đăng lúc 30/12/2018 01:05. Nguyễn Hải Sơn đã sửa (Nội dung) lúc 30/12/2018 08:17. xem:3553

Đây là những câu hỏi, những vấn đề thảo luận trong suốt quá trình 2 năm bàn bạc, nghiên cứu, cân nhắc, và thiết kế xây dựng nhà thờ chúng ta gặp phải, nay đưa lên đây để con cháu nắm được và hiểu những vấn đề họ tộc đang làm, tạo sự đồng tâm ủng hộ để mong đại sự thành công.

1. Tại sao ta lại phải xây dựng lại nhà thờ?
- Thứ nhất: Nhà thờ họ của ta xuống cấp quá rồi, nhà thượng trên mái thì bị sụt ngói nước mưa dột vào cả nhà thờ. Bên trong thì các ban thờ cũng bé, tối và không quy củ, không xứng tầm với một dòng họ có gốc gác quan lại và nay con cháu đông đầy lên đến 500 đinh.
- Thứ hai: Tổ tiên nhiều lần về báo cho con cháu cần làm lại ngay nhà thờ để cứu vãn sự suy vong của dòng họ, để vực dậy sự linh thiêng của tổ tiên để cứu giúp con cháu đang hoạn nạn, phù hộ độ trì cho con cháu sau này được thành công, hạnh phúc hơn. Đây là vấn đề tâm linh, có người tin, có người không, nhưng quả thực nhìn thực tế lâu nay của họ ta và đặc biệt là tình hình con cháu mấy năm lại đây thì ta không thể bỏ qua sự chỉ bảo này của Tổ tiên.

2. Làm nhà thờ thời điểm này Tộc trưởng vừa mất chưa hết khó, trong họ đang khá nhiều tang có sao không?

Đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều người lo ngại. Tuy nhiên chúng ta cũng đã cẩn thận đi xem nhiều thầy và đều nói là làm nhà thờ được, và phải làm sớm để cắt dây xấu của họ. Miễn là trước khi làm ta cầu siêu phả độ cho cả họ sẽ không ảnh hưởng gì. Và chúng ta đã tổ chức một lần cầu siêu vào dịp giỗ tổ 10/10 rồi.

3. Tại sao nhà thượng bé vậy, trông cũng rất xuống cấp rồi mà lại chỉ tôn tạo chứ không làm mới?

Lúc đầu chúng ta cũng bàn bạc là sẽ làm mới lại nhà thượng, cho cao to hơn, toàn bộ mới hết.

Tuy nhiên sau này đi xem kỹ và được cụ Thần tổ lên chỉ bảo thì nói nhà thượng phải giữ nguyên sào mực, giữ nguyên cốt nhà, chỉ lắp lại hai hồi văn để làm nhà bốn mái, thay cột, gỗ hỏng hoặc chắp, làm cửa lại và đánh bóng lại toàn nhà cho mới mẻ. Hỏi tại sao không thay đổi được kích thước, cụ nói rằng kích thước nhà thờ mình là do thầy phong thủy giỏi của triều đình cho thời đó, kích thước này cho chúng ta những hồng phúc lớn như Sinh đinh, sinh tài, ít bị chết tai nạn, chết chiến tranh... Nếu sửa kích thước sai cái sợ mất đặc ân hồng phúc của họ.

4. Tại sao ta làm nhà trung to vậy, nếu đang thiếu tiền thì cứ để nhà hạ hiện nay chứ thay làm gì?

Vì không thay đổi được kích thước nhà thượng nên cơ bản 3 bàn thờ ở nhà thượng không thay đổi được, nhà thượng thành Điện thờ Thần tổ và Các tổ. Còn bàn thờ Công đồng gia tiên thì cần một bàn thờ lớn và đặt ở trung điện (tức vị trí nhà hạ bây giờ). Mà nhà hạ bây giờ thì cũng chắp vá, cột chắp, xà cháp. Lại ngày xưa có giai đoạn gia đình bác Cát làm nhà sinh hoạt, giờ làm nhà đặt bàn thờ không được nên Tổ bảo chuyển nhà hạ về cho nhà Tộc trưởng dùng, còn trên này xây nhà mới.

Ngoài ra thế hệ chúng ta cũng cần làm nhà Trung điện bề thế chút để lại cho hậu thế sau này.

5. Tại sao không làm nhà Hạ luôn để phục dựng lại nhà thờ có Hạ điện, Trung điện, Thượng điện như xưa? Làm nhà trung mà không làm nhà hạ có sao không?

Đúng ra nhà thờ họ mình là nhà chữ Tam, tức ba nhà Thượng, Trưng, Hạ điện. Từ ngày xưa đã như vậy nhưng qua thời gian, chiến tranh loạn lạc bây giờ còn lại như vậy.
Nhưng nếu làm nhà Hạ luôn bây giờ thì gặp hai vấn đề: 
Một là Kinh phí sẽ rất lớn, trong hoàn cảnh con cháu còn nhiều khó khăn và không có nhà bảo trợ lớn.
Hai là về khuôn viên đất, nếu xây nhà hạ ngay thì gần như hết toàn bộ khuôn viên đất nhà thờ, không còn sân, thấy rất bí.

Vậy nên trước mắt ta tập trung làm 2 nhà đặt bàn thờ cho thật chuẩn là Trung và thượng điện. Còn nhà Hạ ta bó móng, trước mắt làm thành cái sân, khi có tế lễ ta dựng rạp để con cháu ngồi tránh mưa tránh nắng. Còn họp hành bình thường có thể ngồi hai bên trung điện cũng được.

6. Tại sao lại làm móng cao vậy, nhà thượng 1.8m, nhà trung 1.2 m và nhà hạ 0.6m? 
Làm móng cao vậy một phần vì vườn hiện nay khá trũng, ngập úng không tốt nên sẽ phải tôn vườn lên 30 cm.
Thứ hai là nhà thờ phải cao ráo thì mới tránh được uế tạp từ xung quanh, tầm nhìn xa rộng con cháu hanh thông hơn.

7. Tại sao lại làm cổng, xây bờ rào quanh vườn tốn kém vậy?
Thứ nhất là nguyên tắc nhà thờ phải có cổng và phải có bờ rào chắc chắn để bảo vệ long mạch, phong thủy, khí thiêng của nhà thờ. 
Thứ hai xung quanh nhà thờ người ta chăn nuôi, xây nhà vệ sinh tắm rửa gây hôi thối, ô uế. Chúng ta về thắp hương còn không chịu được, và khi Tổ lên cũng nói là tổ tiên cũng chẳng muốn về vì quá ô uế - Và thế là nhà thờ mất đi phần linh thiêng.
Về cổng thì cụ tổ yêu cầu làm cổng tam quan, vì họ mình nhiều tổ làm quan dưới âm nên mỗi lần về phải có cổng cửa đàng hoàng, phải có tap môn và phải có bàn cho quân lính ngồi uống nước.

8. Tại sao lại làm nhà 4 mái vuốt ngược vậy mà không làm nhà đốc bằng cho đơn giản?Tại sao đắp rồng phượng nhiều tốn kém vậy?


Lúc đầu chúng ta cũng dự kiến thiết kế kiến trúc nhà thờ hiện đại, đơn giản thôi. Nhưng sau này Cụ Thần Tổ lên chỉ bảo đã là nhà thờ phải bốn mái vuốt ngược lên trời, có long ly quy phượng trên nóc, góc mái.. để chầu về bốn phương tám hướng, giúp nhà thờ linh thiêng, con cháu đi phương nào cũng thuận lợi, cũng phát triển cả.
Ngoài ra rồng, phượng không phải thích thì đắp không thì thôi mà phải theo quy cách của nhà thờ tổ tiên mình công trạng thế nào, dưới âm làm quan cỡ nào thì phải có quy cách theo quy định tâm linh cỡ đó.

9. Tại sao không làm nhà thờ bê tông giả gỗ, nhìn cũng giống như gỗ thật mà lại rẻ hơn nhiều?

Cái này cũng đã từng đặt ra như một lựa chọn. Tuy nhiên thứ nhất là khi hỏi tổ tiên thì đều nói là làm nhà gỗ, nhà bê tông nóng (âm). Thứ hai cũng thấy rằng chỉ có cốt nhà gỗ lim mới truyền từ đời này sang đời khác không hỏng, còn bê tông cũng chỉ có thời hạn sẽ hỏng.

10. Tại sao lại mở cổng ra phía trước nhà chị Yên mà không đi đường cũ?
Cái này cũng hơi tâm linh chút, đi xem tổ nói là đường cũ hơi quanh co, làm cuộc đời con cháu cũng nhiều trắc trở hơn. Nếu đường vào nhà thờ chính diện thì vừa đẹp vừa phòng thủy hơn.

11. Tại sao lại đắp 3 hòn núi đằng sau và đặt cái bể ngay trước nhà trung điện vậy?
- Sau là núi, trước là thủy đó là phong thủy tốt cho nhà thờ.
- Phía sau đắp núi, trồng cây sẽ

 tạo sự sạch sẽ thoáng mát vững chãi cho nhà thờ.
- Phía trước đặt bể nước gọi là giếng trời, vừa phong thủy vừa hứng nước mưa từ các mái nhà thờ dùng để rửa hoa quả, đồ thờ.

(Đón xem tiếp Phần 2) 

Bình luận ( 0 )
.